Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đa hướng vào Ukraine. Những gì đã xảy ra mà chúng ta biết cho đến nay là gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động một chiến dịch quân sự ở Ukraine, với nhiều diễn biến dồn dập. Ngày 25/2, ngày thứ hai của cuộc xung đột, còi báo động vang lên rất lâu tại Kiev và nhiều tiếng nổ xảy ra ở một số thành phố của Ukraine.Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo một "cuộc xâm lược toàn diện" đang được tiến hành. Trong khi đó Mỹ cảnh báo lực lượng Nga chỉ còn cách thủ đô Kiev chừng 20km.
Chúng ta biết gì về chiến dịch quân sự này cho đến nay?
Quá trình
Nhiều tuần ngoại giao căng thẳng và việc áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga không thể ngăn cản Tổng thống Nga điều động quân số từ 150.000 đến 200.000 quân dọc theo biên giới Ukraine.
Nga đã yêu cầu chấm dứt việc mở rộng của NATO về phía đông và cho rằng, việc Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu là không thể chấp nhận được.
Các cuộc pháo kích đã được tăng cường kể từ hôm 21/2, khi ông Putin công nhận độc lập cho hai khu vực ly khai và ra lệnh triển khai lực lượng mà ông gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình, một động thái mà phương Tây gọi là khởi đầu của chiến tranh.
Đáp lại, các nước phương Tây và Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và cá nhân của Nga.
Ngày 23/2, phe ly khai đề nghị Moscow giúp đỡ để ngăn chặn các cáo buộc gây hấn của Ukraine mà Mỹ bác bỏ là tuyên truyền của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có một bài phát biểu đầy xúc động trước quốc gia, nói rằng chiến tranh sẽ là "một thảm họa lớn".
"Nếu họ cố gắng lấy đi đất nước của chúng tôi, tự do của chúng tôi, cuộc sống của chúng tôi, cuộc sống của con cái chúng tôi, chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình," ông Zelensky nói.
Vào sáng thứ Năm 24/2, Putin cho biết ông đã cho phép hành động quân sự để tự vệ trước những gì ông nói là các mối đe dọa xuất phát từ Ukraine.
Chiến dịch quân sự bắt đầu
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng và lực lượng biên phòng Ukraine, và nhiều tiếng nổ đã được nghe thấy ở nhiều thành phố. Một quan chức cũng báo cáo các cuộc tấn công mạng không ngừng. Ông Zelensky ban bố lệnh thiết quân luật.
Truyền thông Ukraine đưa tin các trung tâm chỉ huy quân sự ở Kiev và thành phố Kharkiv ở phía đông bắc đã bị tấn công bằng tên lửa trong khi quân đội Nga đổ bộ vào các thành phố cảng phía nam là Odessa và Mariupol.
Quân đội Nga đã tấn công Ukraine từ Belarus với sự hỗ trợ của nước này và một cuộc tấn công cũng đang được phát động từ Crimea, cơ quan biên phòng Ukraine cho biết.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã loại bỏ cơ sở hạ tầng quân sự tại các căn cứ không quân của Ukraine và làm suy giảm khả năng phòng không của nước này.
Ukraine đóng cửa không phận đối với các chuyến bay dân sự với lý do có nguy cơ cao đối với an toàn, trong khi Nga đình chỉ các chuyến bay nội địa tại các sân bay gần biên giới với Ukraine cho đến ngày 2/3.
Phản ứng của Mỹ, NATO và cộng đồng thế giới như thế nào?
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ không điều quân đến Ukraine, đồng thời cho biết thêm ông Putin đã chọn một cuộc chiến tranh được tính toán trước sẽ mang lại "thiệt hại thảm khốc về người và của". Ông Biden sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo G7 và hứa rằng Nga sẽ phải chịu "trách nhiệm".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án "cuộc tấn công liều lĩnh và vô cớ" của Nga và cho biết các đồng minh NATO sẽ họp để giải quyết hậu quả.
Người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga rút quân để ngăn chặn "cuộc chiến tồi tệ nhất kể từ đầu thế kỷ với hậu quả không chỉ tàn phá đối với Ukraine, không chỉ bi thảm đối với Liên bang Nga mà còn có tác động đến thế giới, thậm chí không thể lường trước được".
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell tuyên bố Nga phải đối mặt với "sự cô lập chưa từng có" đối với cuộc tấn công vào Ukraine và sẽ phải chịu "các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất" mà EU từng áp dụng.
Tuấn Anh (Theo Alzaeera)